A. ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2024)
I. HOÀN CẢNH RA ĐỜI VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ
1. Hoàn cảnh ra đời
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần quật cường, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh, cống hiến xương máu, sức lực trên các chiến trường. Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương, hy sinh.
Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác, sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Hội.
Chiều ngày 28/5/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị thương tùy theo điều kiện của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự.
Sau đó, nhiều chương trình quyên góp, ủng hộ bộ đội được phát động, đáng chú ý nhất là cuộc vận động “Mùa đông binh sỹ”. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban vận động đã họp, phát động phong trào may áo trấn thủ cho chiến sỹ. Chiều ngày 17/11/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên Hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong “Mùa đông binh sỹ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sỹ” trong cả nước để giúp chiến sỹ trong mùa đông giá rét với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ. Ngay tại buổi lễ, Người đã cởi chiếc áo len đang mặc để tặng lại các binh sỹ.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sỹ, nhất là những chiến sỹ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ.
Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tại cuộc họp này, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hằng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ.
Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị số 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.
2. Ý nghĩa
Ngày Thương binh - Liệt sĩ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, đó là:
- Thể hiện sự tiếp nối truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc; thể hiện sự biết ơn, trân trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
- Khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân.
- Góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
II. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG CÔNG TÁC THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ VÀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG CỦA TỈNH HẬU GIANG THỜI GIAN QUA
1. Thực hiện chính sách, pháp luật, chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng
Tỉnh Hậu Giang hiện có 36 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; 59 người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; 12.503 liệt sĩ với 2.014 thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; 2.042 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện 43 mẹ còn sống; 23 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động (còn sống 03); 5.743 Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 76 bệnh binh; 682 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 1.221 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; 7.308 người có công với cách mạng.
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 01/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV); Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, bằng những việc làm thiết thực, từ đó phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh, giúp các gia đình chính sách, người có công với cách mạng vươn lên trong cuộc sống.
Xác định công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, với bằng nhiều hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực đầy trách nhiệm và nghĩa tình.
Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, số xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ trên địa bàn tỉnh là 75/75 đạt 100%; việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ được quan tâm thực hiện. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh vận động được 3,6 tỷ đồng. Tặng 20 sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng cho người có công với cách mạng. Xây dựng mới 1.471 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết trị giá 73,55 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng, tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 43 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày 27/7 hằng năm, ngoài quà của Chủ tịch nước, ở tất cả các địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách.
Bên cạnh đó, từ năm 2023 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định và phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đối với 06 trường hợp (04 trường hợp đã có Quyết định của Chủ tịch nước). Trình UBND tỉnh đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp mới 01 và cấp lại 65 Bằng Tổ quốc ghi công; thăm và tặng 313 phần quà, tổng trị giá 455.500.000.000 đồng cho Mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Thương binh, Bệnh binh và Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Tết Nguyên đán.
Với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công với cách mạng đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập,... góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là những “Công dân kiểu mẫu”, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo. Hiện toàn tỉnh có 98% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú.
2. Công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ; nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng
Xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, góp phần đáp ứng nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sĩ; thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Quyết định số 1237/QĐ-TTg, ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, công tác này đã được thực hiện toàn diện, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được các cấp, các ngành chú trọng và đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện toàn tỉnh có 04 nghĩa trang liệt sĩ và 30 nhà bia ghi tên liệt sĩ tại các xã, phường, thị trấn; 02 Đền thờ liệt sĩ. Hằng năm, tỉnh đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp phần mộ, nghĩa trang, bia ghi danh, đền thờ liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh, thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.
Công tác quy hoạch, đầu tư, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng ngày càng được chú trọng. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị quản lý chặt chẽ địa bàn; tổ chức đón nhận, bàn giao, truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ trang nghiêm, trọng thị, chu đáo; công bố, trả kết quả xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đúng quy định.
III. CÔNG TÁC THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ VÀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG HIỆN NAY VÀ TRONG THỜI GIAN TỚI
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định trong những năm tới, tiếp tục: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân...”. Để phát huy được những kết quả, thành tích đã đạt được trong suốt 77 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; nâng cao nhận thức về việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Từ đó, biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội.
2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công với cách mạng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn sâu, vùng căn cứ cách mạng trước đây, phấn đấu không để người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
3. Tiếp tục làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng.
4. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, đặc biệt chú trọng giải quyết các vướng mắc, tồn tại phát sinh liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của đất nước. Quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu tình, đạt lý để những người có công với cách mạng và thân nhân, gia đình người có công với cách mạng được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
5. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; chú trọng các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác này.
6. Tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công với cách mạng và phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước... của địa phương.
7. Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, chung sức giúp đỡ các gia đình người có công với cách mạng khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống.
Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để mỗi người dân Việt Nam nói chung và mỗi người dân Hậu Giang nói riêng tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Đây cũng là dịp để chúng ta tự nhắc nhở mình phải luôn sống sao cho xứng với sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh đi trước, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, chung sức, đồng lòng cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà xây dựng quê hương Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, sớm hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước trong thời gian tới.
B. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
1. Kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024)!
2. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng!
3. Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng!
4. Chung sức giúp đỡ người có công với cách mạng khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống!
5. Chăm lo thương binh, liệt sỹ, người có công là đạo lý, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam!
6. Nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội!
7. Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước!
8. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ!