I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của việc lập và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với sự phát triển tỉnh nhà; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần triển khai đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, hướng mục tiêu đến năm 2030 Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
- Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, đa dạng về hình thức, phù hợp với từng đối tượng; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Tuyên truyền ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng, cơ sở khoa học của việc lập Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tập trung làm rõ:
- Quy hoạch tỉnh là sự cụ thể hóa khát vọng phát triển tỉnh Hậu Giang; thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, với những định hướng, giải pháp đột phá mang tầm chiến lược dài hạn, giúp tháo gỡ các nút thắt, phân bổ hợp lý các nguồn lực và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
- Quy hoạch tỉnh được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, bài bản; được xây dựng trên cơ sở hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ, đáng tin cậy, giúp đánh giá khách quan, chính xác về hiện trạng cũng như tiềm năng và khả năng phát triển của tỉnh, đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
2. Tuyên truyền những nội dung cơ bản của Quy hoạch tỉnh như: quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, các định hướng phát triển, giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh, trong đó tập trung vào những nội dung sau:
2.1. Tuyên truyền 03 quan điểm phát triển tỉnh Hậu Giang gồm: (1) Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bám sát và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, mục tiêu, định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch, kế hoạch liên quan; (2) Xây dựng Hậu Giang thành trung tâm kết nối, trung chuyển hàng hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển đột phá các ngành, lĩnh vực trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và chuyển đổi số, đồng thời huy động, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và các mô hình kinh tế mới dựa trên 4 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch theo chiến lược “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm”; (3). Phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu, động lực của sự phát triển; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
2.2. Tuyên truyền mục tiêu phát triển tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
a. Mục tiêu phát triển đến năm 2030
- Mục tiêu tổng quát: Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
- Một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: (1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm; (2) Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8%; (3) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm; (4) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 330 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư chiếm khoảng 39,5% GRDP; (5) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%; (6) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt khoảng 90%; (7) Số giường bệnh/vạn dân đạt 41 giường; số bác sĩ/vạn dân đạt 12 bác sĩ; (8) 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; (9) Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1% mỗi năm; (10) 100% các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường.
b. Tầm nhìn đến năm 2050: Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
2.3. Tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển
Thực hiện 05 đột phá chiến lược của tỉnh gồm: (1) Một trung tâm (Một Tâm): Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh; (2) Hai tuyến hành lang kinh tế động lực (Hai Tuyến): Phát triển 2 hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. Hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh; (3) Ba trung tâm đô thị (Ba Thành): Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; (4) Bốn trụ cột kinh tế (Bốn Trụ): Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng; (5) Năm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
2.4. Tuyên truyền phương hướng phát triển các ngành nghề trọng điểm (gồm phát triển công nghiệp; nông, lâm nghiệp, thủy sản; đô thị; dịch vụ và du lịch; phướng hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực khác như: giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; khoa học, công nghệ; văn hóa, thể thao; lao động việc làm và an sinh xã hội; thông tin, truyền thông; quốc phòng, an ninh) và phướng án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội gồm 4 vùng kinh tế - xã hội: (1) Vùng Trung tâm gồm thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy, trong đó thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội: Đô thị, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (2) Vùng Đô thị - Công nghiệp gồm huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội: Công nghiệp, đô thị, logistics và du lịch; (3) Vùng Công nghiệp - Du lịch sinh thái gồm thành phố Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội: Công nghiệp, đô thị, du lịch và nông nghiệp sinh thái; Vùng Đô thị - Nông nghiệp sinh thái gồm thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ. Tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội: Phát triển nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đô thị và du lịch. Phát triển 02 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế được xác định theo các tuyến cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau. Tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội: công nghiệp, đô thị và logistics. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền các phương án phát triển hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn; phương án phát triển các khu chức năng; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phát triển, kết cấu hạ tầng xã hội; phương án phân bố và khoanh vùng đất đai…
2.5. Tuyên truyền 06 giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch tỉnh. Trong đó tập trung làm rõ: giải pháp huy động vốn đầu tư; giải pháp phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; giải pháp về quản lý, kiểm soát, phát triển đô thị và nông thôn; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch.
3. Tuyên truyền việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, trong đó tập trung phản ánh:
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về quán triệt, tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ trong thực hiện Quy hoạch tỉnh.
- Quá trình nghiên cứu, kết quả xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực tài chính, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh; thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng chính sách, phản biện khoa học và giám sát quá trình thực hiện chính sách, pháp luật.
- Kết quả thực hiện, thực tiễn triển khai Quy hoạch tỉnh ở các cấp, các ngành; lan tỏa cách làm hay, bài học kinh nghiệm tốt trong quá trình triển khai; phê phán những cá nhân, đơn vị, địa phương thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, gây lãng phí, trì trệ, ảnh hưởng chung Quy hoạch tỉnh.
4. Tuyên truyền Chương trình thực hiện Quy hoạch tỉnh, trọng tâm cần làm rõ 04 quan điểm, 03 nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai thắng lợi Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ.
5. Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai các công trình, dự án trọng điểm, nhất là các công trình, dự án theo Quy hoạch tỉnh, qua đó tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh.
III. HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
Căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế các địa phương, đơn vị có thể tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp như:
- Tuyên truyền thông qua hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên, các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, các buổi sinh hoạt lệ chi bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cuộc sinh hoạt, gặp gỡ Nhân dân ở địa phương…
- Tuyên truyền trên báo, đài, các trang, cổng thông tin điện tử, hệ thống thông tin cơ sở, internet, mạng xã hội.
- Tuyên truyền thông qua bản tin nội bộ, các ấn phẩm, tài liệu Hỏi - Đáp...
- Tuyên truyền cổ động trực quan (băng rôn, pa nô, áp phích, bảng điện tử...).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
- Định hướng công tác tuyên truyền Quy hoạch tỉnh gắn với tuyên truyền Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chỉ đạo hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch tỉnh.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan biên soạn và phát hành Tài liệu Hỏi - Đáp tuyên truyền Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, kịp thời tham mưu chỉ đạo, định hướng tư tưởng, dư luận khi có những vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là những vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, đất đai, môi trường, các vấn đề về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, dân tộc, tôn giáo, sinh kế của Nhân dân...
- Thường xuyên chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền Quy hoạch tỉnh gắn với tuyên truyền Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Đề nghị Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh trong triển khai Quyết định 238-QĐ/TW, ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm. Trong đó, các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên, kịp thời phối hợp cung cấp thông tin về việc ban hành cơ chế, chính sách, nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình thực hiện Quy hoạch tỉnh của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; kết quả quá trình triển khai Quy hoạch tỉnh cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan báo chí để phục vụ công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh.
3. Đề nghị các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy
- Chỉ đạo các ngành chuyên môn, địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch quán triệt, tuyên truyền nội dung Quy hoạch tỉnh; Chương trình thực hiện Quy hoạch tỉnh đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các địa phương, đơn vị nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong Đảng và trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Quy hoạch tỉnh.
- Chủ động làm tốt công tác nắm tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội tại cơ sở trong quá trình triển khai Quy hoạch tỉnh, không để xảy ra tình trạng mất ổn định chính trị - trật tự an toàn xã hội tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền; chỉ đạo hệ thống ngành phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về Quy hoạch tỉnh.
- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt, tổng hợp tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc, vướng mắc của người dân đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
- Tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện Quy hoạch tỉnh tại các cơ quan, địa phương, đơn vị.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc và hệ thống ngành tổ chức các hoạt động tuyên tuyền cổ động trực quan về Quy hoạch tỉnh, chú ý lựa chọn những khu vực, vị trí trung tâm, đông dân cư, nhằm thu hút sự quan tâm, theo dõi của Nhân dân.
6. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh
Định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh và văn phòng đại diện, các cơ quan báo chí hợp tác tuyên truyền với tỉnh, các trang, cổng thông tin điện tử, các trang, mạng xã hội do cơ quan, đơn vị thiết lập... thường xuyên tuyên truyền về Quy hoạch tỉnh. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra và phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm đăng tải, phổ biến thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc về công tác này.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan biên soạn và phát hành Tài liệu Hỏi - Đáp tuyên truyền Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cung cấp các thông tin được phép công bố theo quy định của pháp luật để Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan báo chí kịp thời tuyên truyền về Quy hoạch tỉnh.
8. Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Xây dựng các tin, bài, phóng sự… tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về Quy hoạch tỉnh và quá trình triển khai, những kết quả, thành tựu nổi bật trong quá trình thực hiện Quy hoạch tỉnh.
9. Ban Tuyên giáo, Ban Tuyên huấn các huyện, thị, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy
- Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng kế hoạch tuyên truyền việc triển khai Quy hoạch tỉnh.
- Chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hệ thống truyền thanh cấp huyện và cơ sở tăng cường thông tin tuyên truyền về Quy hoạch tỉnh. Quan tâm chia sẻ, lan tỏa thông tin về Quy hoạch tỉnh, địa phương trên internet, mạng xã hội. Đồng thời tích cực tham gia đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các phần tử xấu, thế lực phản động, thù địch liên quan đến Quy hoạch tỉnh (nếu có).
- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội đối với việc thực hiện quy hoạch, kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc, vướng mắc của người dân cho cấp ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để kịp thời đề xuất xử lý.
Đính kèm:
1. Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
2. Quyết định số 556/QĐ-TTg ngày 22/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
3. Chương trình số 274-CTr/TU ngày 28/8/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050