Tất cả công nhân đều quyết tâm đưa cao tốc về đích sớm.
Vượt qua những trở ngại, quyết tâm đưa các tuyến cao tốc về đích sớm, về đích trước hạn là mục tiêu cao nhất của tỉnh, đơn vị thi công và bà con nhân dân nơi có tuyến cao tốc đi qua.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang (dự án thành phần 3) dài gần 37km, có tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỉ đồng. Điểm đầu dự án tại ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A; điểm cuối tại thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp. Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh (chủ đầu tư), hiện nay các nhà thầu đã huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức gần 40 mũi thi công với hơn 100 tổ đội sản xuất. Thống kê đến nay, tổng giá trị thực hiện của cả 2 gói thầu là 893/5.421 tỉ đồng, đạt 16,47% giá trị hợp đồng.
Về vật liệu cát, tổng nhu cầu của dự án khoảng 6 triệu m3. Hiện dự án đã được cấp một mỏ cát trên địa bàn tỉnh An Giang với trữ lượng khoảng 2,6 triệu m3, đáp ứng 43% khối lượng theo yêu cầu. Tính đến cuối tháng 7-2024, dự án đã tiếp nhận hơn 240.000m3 cát. Phần còn lại khoảng 3,4 triệu m3, Sở Giao thông Vận tải đang chỉ đạo nhà thầu khẩn trương tiến hành khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ cát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bến Tre. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh tham mưu UBND tỉnh rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác.
Thượng tá Trần Quang Hoạt, Phó Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 10, Binh Đoàn 12, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết: “Tiến độ dự án thành phần 3 của trục ngang cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến thời điểm hiện tại Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Binh Đoàn 12 đáp ứng được tiến độ chung của dự án. Mặc dù trong điều kiện khan hiếm về nguồn cát đắp về cho công trình nhưng với quyết tâm, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “vượt nắng thắng mưa”, thực hiện “3 ca 4 kíp”, thời gian qua, chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác thi công các cầu trên toàn dự án để bù lại tiến độ phần đường do khan hiếm nguồn cát đắp. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể dự án vẫn bám theo tiến độ dự án đề ra”.
Ngoài ra, tại dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, Binh đoàn 12 được giao 1 mỏ cát tại Bình Thủy, An Giang và bắt đầu đi vào khai thác từ cuối tháng 4-2024. Tuy nhiên, với công suất cho phép, chỉ đạo được gần 50% so với tiến độ yêu cầu. Vì thế, trữ lượng cát để đáp ứng tiến độ hiện nay là vẫn đang rất khó khăn.
“Chúng tôi bố trí trên toàn công trường 18 mũi thi công, gồm 9 mũi thi công cầu và 9 mũi thi công đường. Mặc dù trong điều kiện mùa mưa đã đến nhưng chúng tôi phải tổ chức làm tăng ca, duy trì thường xuyên 3 ca trên công trường. Đối với công tác thi công cầu, chúng tôi thực hiện tăng ca từ quý II/2024 duy trì tăng ca. Còn đối với thi công đường, từ khi có cát đến nay cũng tranh thủ tối đa công suất cho phép và tăng ca đều đặn 3 ca trên công trường, để bù lại thời gian trước đây khi chưa có nguồn cát đắp. Vì vậy, tiến độ tổng thể dự án vẫn đảm bảo được so với thời điểm hiện tại”, Thượng tá Trần Quang Hoạt thông tin.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh được Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời cũng như sự vào cuộc hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương giúp cho địa phương trong nguồn cung cấp vật tư. Kể cả luôn trong các giải pháp thi công, cũng kịp thời đảm bảo cho triển khai trong thời gian này.
“Tiến độ chung so với dự án mà UBND tỉnh làm chủ quản, dự án này chậm ngay từ ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật tư là chính. Đến thời điểm này, nguồn vật tư đã cơ bản đáp ứng cung cấp cho tuyến cao tốc. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải cũng như Ban quản lý dự án tính toán kế hoạch bù đắp lại khoảng thời gian trước đây chúng ta đã chậm. Cơ bản đã khắc phục dần theo tiến độ chung. Bên cạnh đó, nhà thầu cũng nỗ lực tăng cường nguồn lực, các mũi thi công, trang thiết bị để đẩy nhanh, kịp thời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “3 ca 4 kíp”, “vượt nắng thắng mưa”, tranh thủ các nguồn lực mà chúng ta đã có để huy động từ nhiều thành phần khác cùng tham gia”, ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hòa, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, đoàn thể, Mặt trận vào cuộc đồng hành để đơn vị thi công có thêm động lực hoàn thành được nhiệm vụ ký kết với tỉnh cũng như tiến độ được đẩy nhanh. Hy vọng từ đây đến khi kết thúc dự án vào cuối năm 2026 thì tiến độ chúng ta vẫn đảm bảo và duy trì với tốc độ này để hoàn thành theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Theo MỘNG TOÀN
Báo Hậu Giang online