• :
  • :

Chung sức, đồng lòng thi công cao tốc

Sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, cùng sự đồng lòng, góp sức của Nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, tiếp thêm động lực thúc đẩy các kỹ sư, công nhân, người lao động nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” thi công cao tốc.

Ông Nghiêm Xuân Thành (hàng đầu, thứ 3 từ trái qua), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đề nghị phát huy tinh thần “4 tại chỗ” để đưa dự án cao tốc về đích đúng tiến độ.

Vượt nắng, thắng mưa

Vượt gần 2.000km từ Nam Định vào Hậu Giang nhận nhiệm vụ tại dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, những ngày đầu, anh Trịnh Đức Chung, 24 tuổi, cán bộ kỹ thuật, Ban điều hành Trường Sơn 10 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn không tránh khỏi những bỡ ngỡ tại vùng đất mới. Tuy nhiên, với suy nghĩ được góp sức mình vào một trong những dự án trọng điểm quốc gia, mở ra cơ hội phát triển mới cho ĐBSCL, anh Đức Chung và các anh em trong đội rất tự hào, quyết tâm hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình.

“Em vào làm việc ở Hậu Giang được 1 năm rưỡi. Đây cũng là nơi công tác xa nhất của em từ khi ra trường và đi làm tới nay. Em cũng có một chút lo lắng vì lần đầu mình đi làm xa nhà như vậy, ăn uống cũng chưa quen. Rồi sau đó, gia đình, đồng nghiệp động viên thì em đã vượt qua, mọi thứ ổn định và quen dần. Em và các anh em cán bộ, công nhân khác quyết tâm sẽ đưa dự án về đích đúng tiến độ đã được giao”, anh Trịnh Đức Chung bộc bạch.

Còn với kỹ sư Nguyễn Phi Hùng, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, dù công việc khá vất vả, có những khi phải làm việc dưới cái nắng chói chang của miền Tây, mồ hôi nhễ nhại nhưng những trở ngại đó không làm vơi đi ý chí của người kỹ sư trẻ này. Anh Nguyễn Phi Hùng tâm sự: “Tôi ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến Hậu Giang cũng 10 tháng rồi. Tôi cảm nhận được con người Hậu Giang rất hòa đồng, mến khách, sống rất tình cảm. Điều này giúp tôi đỡ nhớ nhà và an tâm làm việc”.

Kỹ sư Dương Đức Hoàng, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, chia sẻ: Chương trình giao lưu nấu ăn và văn nghệ người dân huyện, xã với kỹ sư, công nhân thi công cao tốc là hoạt động ý nghĩa, rất thiết thực vừa đáp ứng nhu cầu tâm tư, nguyện vọng của người lao động, vừa là “liều thuốc” tinh thần bổ ích, giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi sau những ngày lao động. Hoạt động tạo sự gắn kết, gần gũi giữa các đơn vị thi công với chính quyền và Nhân dân địa phương. Từ đó, lan tỏa không khí vui tươi, sôi nổi trong lao động, sản xuất, giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn phía trước, tạo điều kiện cho người lao động cống hiến và phát huy thế mạnh của mỗi cá nhân, tinh thần “chỉ bàn làm không lùi”, “vượt nắng thắng mưa”, “thi công ba ca, bốn kíp”.

Thay mặt cán cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động của đơn vị, kỹ sư Dương Đức Hoàng bày tỏ: “Cán bộ và người lao động luôn ý thức trách nhiệm của mình, luôn đoàn kết, cần cù lao động, sáng tạo hăng say để không phụ sự tin tưởng của lãnh đạo các cấp và người dân đang ngày đêm trông mong dự án sớm hoàn thành”.

Kỹ sư Dương Đức Hoàng cũng bày tỏ mong muốn mỗi người lao động luôn trân trọng sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, không chủ quan, không tự mãn với những thành quả đạt được trong thời gian qua. Luôn cố gắng và cố gắng hơn nữa để định vị lại bản thân, có tư duy đột phá, mạnh dạn đề xuất những sáng kiến hay, cách làm tốt để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật của công trình.

Sát cánh cùng người lao động

Hậu Giang là tỉnh đầu tiên trong khu vực ĐBSCL tổ chức chương trình giao lưu nấu ăn và văn nghệ người dân huyện, xã với kỹ sư, công nhân thi công cao tốc. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên tinh thần và khích lệ các cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại tỉnh.

Phát biểu tại buổi giao lưu, thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, đánh giá rất cao sáng kiến của địa phương và ban, ngành đối với việc tổ chức giao lưu các kỹ sư, công nhân. Đây là món ăn về vật chất lẫn tinh thần.

Ông Nghiêm Xuân Thành cho rằng, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL và dành nhiều nguồn lực đầu tư các tuyến cao tốc trên địa bàn các tỉnh. Riêng tỉnh Hậu Giang có 2 tuyến cao tốc đi qua (tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) với chiều dài khoảng 100km qua Hậu Giang.

Việc triển khai thi công và sớm đưa vào vận hành 2 tuyến cao tốc có ý nghĩa rất lớn, giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương trong tỉnh, giữa Hậu Giang với các tỉnh, thành trong khu vực. Mở ra không gian phát triển mới, nhất là tạo động lực phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Cùng với đó kết nối các địa điểm từ cơ sở sản xuất đến chế biến tiêu thụ sản phẩm nông sản và thủy, hải sản của bà con nông dân.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân trên địa bàn tỉnh, Hậu Giang là một trong những tỉnh sớm nhất về bàn giao diện tích mặt bằng để triển khai thi công 2 tuyến đường cao tốc. Qua đó, các nhà thầu trong thời gian qua đã tập trung triển khai, đến nay cơ bản hoàn thành theo tiến độ. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Chính phủ cũng như kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang rất mong muốn các dự án cao tốc đi qua địa bàn hoàn thành và hoàn thành trước tiến độ để tạo điều kiện và dư địa cho tỉnh phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho bà con trong thời gian tới.

“Tôi đề nghị chúng ta phát huy tinh thần “4 tại chỗ”. Một là chúng ta sử dụng nguồn lực tại chỗ. Thứ hai là phương tiện thi công và các nguyên, vật liệu tại chỗ, trừ những nguyên, vật liệu mà chúng ta không có sẵn trên địa bàn Hậu Giang. Thứ ba là hậu cần tại chỗ. Thứ tư là động lực tinh thần tại chỗ. Trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục phối hợp, đồng hành chặt chẽ hơn giữa cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nhân dân với các kỹ sư, công nhân thi công trên địa bàn tỉnh. Với quyết tâm là chúng ta về đích sớm, vế đích trước hạn các tuyến đường trên địa bàn”, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành cũng dành những lời cảm ơn bà con trong tỉnh thời gian qua đã đồng thuận chủ trương để tạo quỹ đất sạch cho các nhà thầu, các dự án thi công. Đặc biệt là sáng kiến tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu giữa chính quyền địa phương, các đoàn thể, chính trị xã hội với người dân, kết nối với các nhà thầu, các kỹ sư và công nhân trên địa bàn, rất đúng với tinh thần vừa là “món ăn vật chất vừa là món ăn tinh thần” theo đúng chỉ đạo “không để nhà thầu, các kỹ sư, công nhân cô đơn trên các công trường” của Thủ tướng Chính phủ.

Theo MỘNG TOÀN

Báo Hậu Giang online


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật