Ông Trần Văn Huyến (bìa trái), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trao quyết định và tặng hoa chúc mừng cán bộ được điều động và bổ nhiệm. Ảnh: GIA NGUYỄN
Bài 3: Phá bỏ tư duy cũ để tạo ra bước ngoặt mới
Tại Hậu Giang, các cấp lãnh đạo đã mạnh dạn phá bỏ tư duy cũ để tạo ra bước ngoặt mới trong xây dựng và bảo vệ cán bộ. Với tinh thần chủ động, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác tổ chức, cán bộ của tỉnh có nhiều đột phá đổi mới, tạo tiền đề quan trọng để từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.
Ba loại cán bộ sợ sai và bộ tiêu chí đánh giá
Trước hàng loạt sai phạm của cán bộ từ Trung ương đến địa phương, tỉnh Hậu Giang đã đúc rút cho mình những bài học đồng thời phân hành vi cán bộ sợ sai ra 3 cấp độ:
Ở mức độ thấp là những người không biết gì nên không làm. Đó là những người thiếu bản lĩnh, trình độ và năng lực yếu kém, được đề bạt, bổ nhiệm nhờ thân quen, chạy chức, chạy quyền, “ngồi không đúng chỗ”, không thể thực thi công việc được giao.
Mức độ cao hơn, phổ biến hơn là những người có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm, nhưng không có lợi ích thì không làm. Họ không tham mưu, đề xuất, không triển khai công việc hoặc triển khai cầm chừng… vì không có lợi ích gì trong đó.
Và nhóm thứ 3 là những người biết, nhưng sợ sai nên không làm
Ngay khi phân loại cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy định để phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức...
Các nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy định về công tác cán bộ được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng trên tinh thần đổi mới, đột phá, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, khát vọng, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.
Cụ thể, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Quy định số 1120 ngày 1-6-2022 về “Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. Đề ra yêu cầu, nguyên tắc là việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; chất lượng sản phẩm, tiến độ và thái độ hoàn thành công việc; đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
Tiêu chí được cụ thể hóa bằng thang điểm 100 điểm, trong đó tập trung vào kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao là 70 điểm. Tiêu chí đánh giá đối với cán bộ, lãnh đạo, quản lý đặc biệt nhấn mạnh tiêu chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung; tiến độ và tỷ lệ hoàn thành công việc; tiến độ, chất lượng và kết quả đạt được. Sáng kiến trong triển khai thực hiện công việc chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chú trọng bố trí cán bộ đúng chuyên môn, sở trường công tác
Công tác điều động luân chuyển cán bộ cũng là sự đổi mới, dám làm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang.
Theo ông Võ Thành Chính, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất tâm đắc trong công tác điều động luân chuyển cán bộ. Nhờ đó, nhiều đồng chí đã phát huy được sở trường, có đồng chí mạnh dạn đổi mới, thể hiện tinh thần, trách nhiệm, năng động sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
“Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn xác định, bên cạnh chọn được người tài là điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo nhưng biết cách “dùng người” mới là yếu tố then chốt để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm. Bởi vậy, cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị và cơ quan, tổ chức các cấp trong tỉnh chú trọng bố trí cán bộ đúng chuyên môn, sở trường công tác, khéo léo vận dụng nguyên tắc “dụng nhân như dụng mộc”. Đồng thời, công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ cũng được thực hiện thường xuyên để không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ. Đi liền với đó, chính sách về thu nhập, tiền lương cũng cần có sự thay đổi phù hợp để cán bộ thực sự sống được, thậm chí là sống tốt từ công việc”, ông Võ Thành Chính nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng ban hành Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Đề án thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ, ngang tầm nhiệm vụ… Để “tinh giản biên chế, tinh đổi cán bộ”, tỉnh đặt mục tiêu tinh giản 5% công chức, 10% viên chức theo lộ trình 2020-2026 mà Trung ương giao, đồng thời tinh đổi 5% công chức, 5% viên chức để tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tỉnh ban hành thêm chính sách đặc thù khuyến khích cán bộ không đáp ứng yêu cầu tự nguyện tinh giản biên chế, để tinh đổi, tuyển dụng cán bộ trẻ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với vị trí việc làm.
Để có cơ sở thực hiện tinh giản biên chế và tinh đổi cán bộ, Tỉnh ủy triển khai thêm Đề án 09 năm 2024 quy định về vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sẽ thực hiện nhiệm vụ theo vị trí việc làm được phê duyệt, viết nhật ký làm việc hàng ngày theo mẫu điện tử để định lượng, đo lường và đánh giá hiệu quả công việc gắn với chức trách nhiệm vụ được giao.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhơn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang, trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Đề án 09 của Tỉnh ủy được xác định là rất cấp thiết, nhằm khắc phục, tháo gỡ kịp thời, trước mắt những “điểm nghẽn” vốn được coi là khó và phức tạp.
Theo đó, thông qua việc xây dựng và xác định quy định trước mắt về vị trí việc làm là cơ sở quan trọng, căn cứ khoa học để thực hiện có hiệu quả, thực chất công tác đánh giá cán bộ qua sản phẩm công việc, số lượng, chất lượng công việc; là căn cứ để xác định biên chế, chỉ tiêu thi nâng ngạch, thăng hạng, tuyển dụng, bố trí sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế hàng năm. Qua đó, nâng cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm tự đào tạo, hoàn thiện cá nhân trong thực thi công việc, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, cơ quan, đơn vị…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng thực hiện Đề án số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tổ chức ngày 12-4, với hơn 1.400 cán bộ, công chức, viên chức tham dự tại các điểm cầu, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh và đề nghị hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh cần tiếp tục tập trung, thực hiện nghiêm việc triển khai thực hiện Đề án 09 nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực hiện Đề án vị trí việc làm nói riêng, trong công tác cán bộ của tỉnh nói chung.
Qua 3 tháng triển khai thực hiện, theo Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, công tác quán triệt và tuyên truyền Đề án số 09 được tổ chức sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Các cơ quan liên quan, nhất là Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. 100% cán bộ các cơ quan, đơn vị đã thực hiện chấm thống kê công việc hàng ngày. Kết quả thống kê công việc chuyển biến tích cực qua các tháng đầu năm, thể hiện qua số giờ làm việc và điểm số đã dần đi vào thực chất hơn. Thông qua việc thống kê nhật ký công việc cá nhân hàng ngày đã nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ…
“Nhìn chung, việc thực hiện Đề án vị trí việc làm và thống kê nhật ký công việc cá nhân hàng ngày đạt được một số kết quả tích cực, bước đầu đã nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ. Từ đó, năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ có chuyển biến tích cực. Đáng ghi nhận, giờ giấc làm việc hàng ngày của cán bộ có chuyển biến tích cực, tình trạng đi trễ, về sớm, làm việc riêng trong giờ làm việc bước đầu đã giảm rõ rệt; có trường hợp cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ đã chủ động đề xuất lãnh đạo giao nhiệm vụ cho mình”, đồng chí Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.
“Công phá” bức tường “sợ trách nhiệm”, thúc đẩy tinh thần 6 dám của cán bộ là việc làm chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng với những gì Hậu Giang đang làm và kết quả đạt được đầy tự hào đối với tỉnh trẻ, tin tưởng rằng mục tiêu xây dựng tỉnh Hậu Giang vươn lên trở thành tỉnh khá, tự cân đối ngân sách… sẽ không còn là quá xa vời.
BÁ HIÊN - THÚY AN