Bài 2: Giải phẫu căn nguyên của “bệnh” sợ sai
Thời gian qua, tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm diễn ra tương đối phổ biến.
Chúng ta có thể nhìn nhận khái quát sau:
1. Không phải đến thời điểm hiện tại, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm mới được đặt ra. Ngay trong những năm kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Trong cuộc nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 20-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.
Chính bởi vậy, “nơi nào có cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy. Và cả vùng đó tỏa ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ. Nơi nào cán bộ xoàng, thì vùng đó, như đang ngủ say. Trên giấy thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật, thì việc gì cũng uể oải, lúi xùi”…
Cùng với “Trí - Tín - Nhân - Liêm”, một đức tính quan trọng khác mà người cán bộ tốt cần phải có theo tư tưởng Hồ Chí Minh là “Dũng”.
Với Bác: “Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”.
Chúng ta vừa trải qua những ngày tháng 5 lịch sử, nhắc đến Điện Biên Phủ, chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta trước đội quân viễn chinh Pháp năm 1954. Nhưng trước khi có thắng lợi này, đã có những lúc quân ta lâm vào tình thế vô cùng khó khăn. Phương châm tác chiến ban đầu được thông qua là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế và tương quan lực lượng giữa ta và địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng tập thể đảng ủy và bộ chỉ huy chiến dịch bàn bạc, thống nhất quyết định thay đổi phương châm sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây chính là bước đi táo bạo nhưng phù hợp với yêu cầu thực tiễn, là bước ngoặt quan trọng của chiến dịch.
Rõ ràng, nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đảng ủy, ban chỉ huy chiến dịch không đủ dũng cảm, không đủ mưu trí thì chắc chắn chúng ta khó có thể đạt được thắng lợi này.
2. Không phủ nhận tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị.
Mặt khác, Đảng, Nhà nước đã có các cơ chế, chính sách về khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng, điển hình như Kết luận số 14 của Bộ Chính trị. Thế nhưng thời gian qua, tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm diễn ra tương đối phổ biến.
Điển hình như câu chuyện về phân cấp, ủy quyền liên quan đến triển khai Nghị quyết 33/2023 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh. Trong Nghị quyết, Chính phủ giao quyền cho các địa phương tự quyết nhằm chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn; tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương không dám chủ động thực hiện, mà phải chờ hướng dẫn.
Hay vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, tại Hậu Giang, trong nhiều cuộc họp, hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã không ít lần đôn đốc, nhắc nhở việc giải ngân vốn đầu tư công. Thế nhưng, thống kê từ UBND tỉnh Hậu Giang cho thấy, tính đến hết quý II/2024, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công mới đạt khoảng 35% kế hoạch, thấp hơn 4,72% so cùng kỳ; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cũng nhiều lần chỉ ra nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh các yếu tố khách quan, cần nhìn nhận nguyên nhân quan trọng là do con người, cụ thể là khâu tổ chức thực hiện còn thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm ở các cấp, ngành.
Không riêng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, theo ông Trần Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, trên địa bàn đang xuất hiện một bộ phận cán bộ 3 không: Không nói; không tham mưu, đề xuất; không làm hoặc có làm nhưng cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng.
Lý giải nguyên nhân, ông Thắng cho rằng: “Thời gian qua, hàng loạt cán bộ vướng vòng lao lý vì để sai phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, khiến không ít cán bộ nảy sinh tâm lý làm việc cầm chừng, với lập luận: Làm nhiều thì sai nhiều, làm ít thì sai ít, không làm thì không sai. Một nguyên nhân khác xuất phát từ sự chậm trễ trong việc ban hành văn bản nhằm thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Kết luận 14 nêu rõ “kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hóa thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp...”. Kết luận 14 được Bộ Chính trị ban hành ngày 22-9-2021 và có hiệu lực ngay từ thời điểm ban hành. Tuy nhiên, đến ngày 29-9-2023, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 73 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Như vậy, từ khi có Kết luận của Bộ Chính trị đến khi có Nghị định của Chính phủ nhằm cụ thể hóa chủ trương của Trung ương là 2 năm. Bởi vậy mà trong suốt 2 năm qua, hầu hết các địa phương gần như “án binh bất động” khi triển khai Kết luận 14”.
Một nguyên nhân khác khiến cho cán bộ chùn bước, e ngại không dám đổi mới và chỉ có thể “sáng tạo trong khuôn khổ”, không dám “vượt rào” đến từ những bất cập, hạn chế từ các quy định của chính sách pháp luật hiện hành. Trên thực tế, hệ thống pháp luật ở nước ta chưa đồng bộ, còn nhiều chồng chéo. Đại hội XIII của Đảng chỉ ra: “Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn; việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng”. Và trong nhiều trường hợp, cán bộ muốn sáng tạo thì đồng nghĩa với việc phải làm “trái luật”.
Minh chứng rõ nhất là câu chuyện có ý tưởng, dám nghĩ, dám làm nhưng không dám triển khai của đồng chí Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ. Dù đến nay ý tưởng đã được thực hiện nhưng chính sự chậm trễ và cần “đúng luật” đã khiến ý tưởng bị chậm lại.
Cụ thể, Giám đốc Sở Nội vụ Hậu Giang Nguyễn Minh Trí có ý tưởng về đổi mới cơ chế tinh giản biên chế. Giải pháp là ban hành một bộ tiêu chí đánh giá riêng, để tính điểm mỗi cán bộ. Trong một tập thể, nếu 2 năm hoàn thành nhiệm vụ, nhưng điểm thấp hơn người khác thì vẫn bị đưa vào diện tinh giản biên chế. Ý tưởng này đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang báo cáo Bộ trưởng Nội vụ, được ủng hộ. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng ủng hộ, nhưng yêu cầu phải đúng quy định pháp luật.
“Chúng tôi có ý tưởng, đã dám nghĩ, dám làm rồi, mà không dám triển khai, vì không đúng quy định pháp luật, triển khai thì sẽ đụng đến những vấn đề khác”, ông Nguyễn Minh Trí nói.
Xét ở khía cạnh khác, chiếc “gọng” đang “kìm hãm” sự sáng tạo, nỗ lực vì tập thể còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và sự thiếu công tâm của người lãnh đạo chủ chốt của từng địa phương, đơn vị.
Ví dụ, tháng 6-2023, nhiều báo chí nhận được đơn đề nghị vào cuộc của một cán bộ Bảo tàng tỉnh Hậu Giang. Trong đơn nêu lên bức xúc khi Giám đốc Bảo tàng tỉnh trong giao tiếp, ứng xử với cấp dưới đôi lúc còn thiếu tế nhị, còn những phát ngôn chưa chuẩn mực, gây ức chế và áp lực cho cấp dưới. Đặc biệt, Giám đốc Bảo tàng đã rất nhiều lần vi phạm trong quy định phòng chống tham nhũng.
Theo đơn đề nghị nêu, dù vấn đề sai phạm đã được trình báo về Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hậu Giang để xử lý, kết luận thanh tra của Sở cũng được ban hành nhưng vì là “lính ruột”, “người cùng phe” với một số lãnh đạo cấp cao nên tội nặng cũng… thành nhẹ; điều này khiến nhiều cán bộ cấp dưới không “tâm phục khẩu phục”. Vấn đề không được xử lý “thấu tình, đạt lý” nên nhờ sự vào cuộc của báo chí.
Sợ sai là mức nói giảm, nói tránh của việc né tránh, đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, cái gì có lợi thì vơ vào mình, khó khăn thì đẩy ra cho tổ chức, cho người dân, doanh nghiệp. Xét ở góc độ đạo đức của người cán bộ, đảng viên, đây chính là dấu hiệu của một loại “tự diễn biến”, là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng, chính trị, làm cản trở nghiêm trọng sự phát triển.
Từ những vấn đề nêu trên, để sức sáng tạo của cán bộ thực sự được “giải phóng”, để tinh thần “6 dám” trong đội ngũ cán bộ các cấp chuyển hóa thành hành động thì còn rất nhiều vấn đề đang đặt ra với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.
BÁ HIÊN - THÚY AN