• :
  • :

Cán bộ “6 dám” và một Hậu Giang vươn mình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng, đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ luôn khuyến khích và ủng hộ cán bộ có tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Trong quá trình khảo sát thực tiễn tại tỉnh Hậu Giang cho thấy, bên cạnh những cán bộ dám “đứng mũi chịu sào”, dám đột phá vì sự phát triển của địa phương, đơn vị, vẫn còn những cán bộ chưa thoát khỏi vòng an toàn.Vậy đâu là nguyên nhân và Hậu Giang sẽ làm gì để khuyến khích cán bộ “6 dám”, qua đó góp phần biến khát vọng thành hành động đưa vùng đất lúa vươn mình.

Công trình kè Xà No trở thành điểm nhấn chiến lược của vùng đất Hậu Giang. Ảnh: LÝ ANH LAM

Bài 1: Hậu Giang - Nơi cán bộ nói thật, làm thật và dân hưởng thụ thành quả thật

Dù trước đó có xuất phát điểm thấp, nhưng qua từng năm, và nay bước vào tuổi 20, tỉnh trẻ Hậu Giang đã khẳng định được vị thế của mình khi trở thành điểm sáng phát triển của khu vực và cả nước.

Để có được những thành tựu như ngày hôm nay, Hậu Giang trải qua cả một quá trình cải cách không ngừng, thay đổi tư duy cũng như đột phá trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo tỉnh này qua các thời kỳ đều thể hiện sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đem lại những thành quả vượt bậc.

1. Nhìn lại bức tranh Hậu Giang 20 năm trước, ấn tượng của nhiều người là một địa phương đi lại khó khăn, đường về độc đạo, ghe chèo nhiều hơn xe máy… Quy mô kinh tế nhỏ, GRDP chỉ chiếm khoảng 4% tổng GRDP toàn vùng; thu nội địa thấp, tỷ lệ tự cân đối ngân sách chỉ khoảng 40%, chủ yếu nhận điều tiết hỗ trợ từ Trung ương.

Nhưng Hậu Giang hôm nay đã khác! Nhiều người ví von, với sức trẻ của mình, Hậu Giang đã thành công khi biến “sắt” thành “đồng”, biến “đồng” thành “bạc” và biến “bạc” thành “vàng”.

Minh chứng cụ thể là năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đạt 13,94%, vươn lên đứng đầu khu vực ĐBSCL và đứng thứ tư cả nước; lần đầu tiên Chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) tăng 26 bậc, lên hạng thứ 12 trong bảng xếp hạng cả nước.

Năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 12,27%, tiếp tục đứng đầu khu vực ĐBSCL và đứng thứ 2 cả nước. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2024, Hậu Giang tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,04%, đứng thứ 2 vùng ĐBSCL; thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 87,45 triệu đồng, tăng 131,89% so cùng kỳ.

Phát họa lại những dấu mốc trong quá trình phát triển của tỉnh Hậu Giang để thấy rằng, ở mọi giai đoạn luôn có những “cánh chim” đầu đàn, với tinh thần quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Giai đoạn mới chia tách, với quan điểm “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, củng cố thế trận lòng dân - xem đây là nền tảng để xây dựng Hậu Giang phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, dù tình thế khó khăn, cán bộ của tỉnh phải làm việc trong điều kiện hết sức thiếu thốn, tạm bợ, thế nhưng vẫn quyết định vận động, cùng với ngân sách nhà nước xây dựng 1.842 nhà tình nghĩa… cải thiện đời sống cho nhân dân.

Nhận thấy Hậu Giang là vùng đất có hệ thống sông ngòi chằng chịt, trong đó, kênh xáng Xà No được xem là có vị thế vô cùng quan trọng về mặt địa lý, lãnh đạo tỉnh mạnh dạn xin chủ trương, khởi công công trình kè Xà No theo dọc tuyến kinh dài gần 30km - bờ kè dài nhất cả nước trở thành điểm nhấn chiến lược của vùng đất Hậu Giang, ngăn chặn tình trạng sạt lở, chỉnh trang đô thị, sắp xếp hệ thống dân cư…

Giữa tình thế cân nhắc giữa việc đảm bảo an ninh chính trị, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang một lần nữa mạnh dạn ban hành quyết sách khi tổ chức thành công Festival lúa gạo lần thứ nhất của Việt Nam - trải thảm đỏ thu hút rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư.

Và một trong những nền tảng tạo nên đột phá kinh tế cho Hậu Giang còn phải kể đến “Định hướng xây dựng quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030 theo các trục: “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm”. Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang là: Xác định phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng là 4 lĩnh vực đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Hậu Giang. Định hướng chiến lược theo các trục đã tạo nền tảng để tỉnh Hậu Giang “cất cánh”.

2. Bước qua giai đoạn khó khăn, Hậu Giang đang vào thời kỳ vàng để thực hiện khát vọng phát triển nhanh, bền vững, toàn diện và bao trùm. Nhưng làm sao để tận dụng hiệu quả và không để cơ hội trôi qua mới là chuyện khó. Chính lẽ đó, Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều định hướng, quyết sách, trong đó vai trò cán bộ được xem là tiên quyết.

Từ “luồng gió mới” Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (Kết luận số 14), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV xác định “Cán bộ là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá”, trong Chương trình số 50 ngày 9-8-2021 của Tỉnh ủy (thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết XIV của Đảng bộ tỉnh), Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định lại “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là ưu tiên thứ nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp bởi trong nhiều Văn kiện Đảng ta cũng khẳng định “Công tác cán bộ là then chốt của then chốt”, vì vậy, nhân tố con người là ưu tiên trước nhất để “then chốt” mở mũi.

Ông Nguyễn Thanh Thuấn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, thực hiện Kết luận số 14, bám sát Chương trình số 50, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết XIV của Đảng bộ tỉnh, đến nay tỉnh Hậu Giang đã ban hành các văn bản: Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Kế hoạch về luân chuyển cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Song song đó là ban hành Đề án thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn, chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn; Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025. Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn.

“Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 14 và các Nghị quyết, chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ tỉnh nâng lên rõ rệt. Cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh”, ông Nguyễn Thanh Thuấn nhấn mạnh.

Qua từng giai đoạn phát triển, dù đã phác dáng được hình hài của những cán bộ có tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, song thực tế, tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy vẫn khá phổ biến tại Hậu Giang. Những diễn biến tâm lý này vẫn đang tồn tại, âm thầm len lỏi và đã có phần ăn sâu vào tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và không dễ nhận diện, đấu tranh ngăn chặn triệt để. Kết luận 14 và những Nghị quyết, Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang được ví như “đơn thuốc”, nhưng dường như vẫn chưa đủ “liều lượng” để chữa trị “căn bệnh” đang ngày một trầm trọng, đè nặng tâm lý của nhiều người.…

BÁ HIÊN - THÚY AN


Sinh_thoi_b5f4e.docx

Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật